[tintuc]
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tại Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng đột biến. Riêng năm 2018, doanh thu từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô ước đạt 509.000 tỷ đồng.
Thị trường mặt bằng bán lẻ sôi động trong những năm gần đây
Thị trường mặt bằng bán lẻ sôi động trong những năm gần đây

Mặc dù thương mại điện tử đang chiếm lĩnh thị phần, nhưng 90% doanh thu bán lẻ lại đến từ các cửa hàng và trung tâm thương mại, khiến cho phân khúc bất động sản cho thuê mặt bằng bán lẻ sôi động chưa từng có.

Nhu cầu lớn

Anh Nguyễn Văn Sinh, phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh có một mặt sàn diện tích 60m2 gần với Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu đang cho thuê để kinh doanh với giá 45 triệu đồng/tháng. “Từ sau Tết Âm lịch, rất nhiều người đi tìm mặt bằng để thuê kinh doanh tại khu vực này nhưng đều không thể thuê được, bởi hầu hết các mặt sàn đang cho thuê đều ký hợp đồng lâu dài” - anh Sinh nói.

Khảo sát thực tế tại các khu vực trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng hay khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh trong thời gian gần đây tăng mạnh. Do vậy, không chỉ ở những vị trí riêng lẻ, diện tích hạn chế mà ngay tại các trung tâm thương mại, diện tích mặt sàn lớn, giá thuê cao cũng ở trong tình trạng “cháy” hàng.

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, toàn bộ khối đế của tòa nhà Trung tâm thương mại Vincom Metropolis Liễu Giai (Ba Đình) đã được lấp đầy bởi những khách thuê có thương hiệu. Những tòa nhà lân cận có vị trí và tầm nhìn tốt cũng không còn diện tích để cho thuê.

Theo số liệu khảo sát của Savills Việt Nam, trong quý I/2019, trong khi thị trường bất động sản nói chung trên địa bàn Thủ đô vẫn khá trầm lắng, thì phân khúc căn hộ trung cấp (hạng B) và mặt bằng cho thuê bán lẻ lại tăng trưởng ổn định cả về số lượng sản phẩm và doanh thu.
Trong 3 tháng đầu năm, thị trường đã tiếp nhận thêm khoảng 16.000m2 mặt sàn cho thuê, nâng tổng số diện tích mặt sàn cho thuê hiện nay tại Hà Nội lên 1,4 triệu mét vuông, khu vực nội thành chiếm 46% thị phần.

Giá thuê gộp trung bình tầng trệt tăng 2% theo quý và 20% theo năm trong khi công suất thuê tăng nhẹ 2 điểm phần trăm theo quý. Tỷ lệ lấp đầy ở phân khúc mặt bằng bán lẻ đạt 90%, tăng 1,6% theo quý, do lượng hấp thụ lớn đạt 20.610m2 trong quý.

“Dự báo đến cuối năm 2019, thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 126.000m2, với gần 46% nguồn cung đến từ quận Cầu Giấy. Giai đoạn 2020 - 2022 sẽ có khoảng 364.000m2 gia nhập thị trường. Triển vọng kinh tế dài hạn duy trì tích cực với mức độ tự tin người tiêu dùng cao, thương mại được cải thiện, số lượng các nhà bán lẻ quốc tế tham gia thị trường được dự đoán sẽ gia tăng” - chuyên gia Hoàng Diệu Trang, Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Việt Nam) nhận định.
Nhiều tiềm năng

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có sự gia tăng nhanh của các cơ sở phân phối, với 23 trung tâm thương mại, 134 siêu thị, gần 1.400 cửa hàng tiện lợi, 80 chuỗi cửa hàng phân phối, 454 chợ và 493 cửa hàng xăng dầu, cùng hàng loạt các cửa hàng tiện ích theo chuỗi xen kẽ tại các khu dân cư. Sở cũng chấp thuận cho 8.741 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Nếu như vào năm 2016 doanh thu bán hàng của thương mại điện tử mới chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng doanh thu bán lẻ, thì đến hết năm 2018 đã chiếm khoảng 3% (tăng gấp hơn 3 lần). Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Minh Hoàn - Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, 90% doanh số bán lẻ vẫn tập trung ở các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...

“Các gia đình trẻ có xu hướng cùng nhau đi mua sắm ngày càng nhiều hơn. Họ thích được nhìn thực tế, được cầm nắm sản phẩm, lựa chọn trên giỏ hàng hiện hữu và đôi khi xem trên website thì thích sản phẩm này, nhưng khi đi mua lại thích sản phẩm khác” - ông Hoàn cho biết.

Cũng theo ông Hoàn, hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã hội tụ tương đối đầy đủ các “ông lớn” trong ngành bán lẻ trong nước và quốc tế. Đối với các thương hiệu quốc tế, có xu thế hướng vào mặt sàn khối đế của các dự án chung cư cao cấp, vì ở đây cư dân đều là những người có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm hàng hiệu.
Trái ngược với những khách hàng bán lẻ quốc tế, một số tập đoàn lớn trong nước lại tập trung vào hệ thống cửa hàng tiện lợi, đứng đầu là Vincom với gần 2.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Cùng với đó, rất nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế đã có mặt và đang tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị phần. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. “Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ không làm bất động sản bán lẻ mất đi tính hấp dẫn, mà chỉ chuyển từ hình thái này sang hình thái khác. Ví dụ, sẽ không cần các mặt bằng quá rộng, nhà bán lẻ chỉ cần tạo ra phong cách thiết kế mới - lạ hoặc có thể lựa chọn mô hình thuê chung... Thị trường bán lẻ vẫn là mảnh đất đầy tiềm năng thu hút nhiều nhà phát triển bất động sản bán lẻ” - ông Hoàn chia sẻ.

Dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Sự phát triển của thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có nhiều kênh thông tin, nhưng DN vẫn phải có nơi trưng bày sản phẩm, hàng mẫu, có nhân viên để giúp người tiêu dùng hiểu được chính sách bán hàng. Đây chính là “sân chơi” của những nhà đầu tư BĐS. - Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam)

[/tintuc]