[tintuc]

Siêu dự án Tây Hồ Tây đang được triển khai xây dựng với kì vọng trở thành khu đô thị hiện đại nhất thủ đô

 Được quy hoạch để trở thành khu đô thị lớn và hiện đại nhất Thủ đô, nhưng cũng phải mất 10 năm, Tây Hồ Tây mới chính thức được khởi công xây dựng và hiện tại, nhiều hạng mục đang được đẩy mạnh thi công.


Năm 2006 đánh dấu bước ngoặt lớn của dự án này khi liên danh gồm 5 công ty đến từ Hàn Quốc đã được cơ quan chức năng của Việt Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển T.H.T thực hiện dự án phát triển khu đô thị mới Tây Hồ Tây.

Lúc đó, siêu dự án Tây Hồ Tây rất được kỳ vọng sẽ được các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gồm Daewoo Engineer&Construction Co.,Ltd, Daewon Co.,Ltd, Dong IL Highvill Co.,Ltd, Keangnam Enterprises, Ltd và Kolon Engineering&Construction Co., Ltd phát triển dự án theo đúng như kế hoạch, để đến 2014 hoàn thành.

Ban đầu Tây Hồ Tây được giới thiệu là khu đô thị có tổng diện tích trên 207ha, tổng mức đầu tư 314 triệu USD, khi hoàn thành cung cấp khoảng gần 5.000 căn hộ, biệt thự, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20.000 dân. Dự án được chia thành 2 giai đoạn phát triển với quy mô giai đoạn 1 là 117ha và giai đoạn 2 là 90ha.


Sau khi chủ đầu tư lên kế hoạch giải phóng sau mặt bằng vào năm 2009, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long –Hà Nội.

Thế nhưng, số phận dự án này lại không được như kỳ vọng của cơ quan hữu quan, cũng như phía nhà đầu tư trong giai đoạn đầu phát triển dự án đã gặp không ít biến động, đặc biệt là trong vấn đề giải tỏa mặt bằng.

Giữa năm 2011 giới truyền thông trong nước đã đưa tin Tập đoàn Daewoo thâu tóm toàn bộ dự án này bằng việc mua lại cổ phần của 4 đối tác khác, và cam kết rót tiền triển khai dự án.

Ngày 15/1/2012, chủ đầu tư đã tổ chức lễ động thổ dự án một cách rầm rộ và lấy tên dự án là StarLake với tổng mức đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD. 

Tuy nhiên suốt hơn một năm sau đó, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, chưa được đầu tư hạ tầng. Mãi đến ngày 21/1/2014 dự án mới chính thức được khởi công xây dựng sau nhiều vướng mắc giải phóng mặt bằng. 

Cũng trong tháng 1/2014 Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã điều chỉnh hồ sơ dự án, nâng quy mô lên 210,43ha thuộc địa phận các phường Xuân La (Tây Hồ), Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) với dân số vào khoảng 24.300 người. 

Trong đó ngoài các hạng mục công trình thương mại, khu nhà ở, khu quảng trường lớn, trung tâm mua sắm và kinh doanh, nhà hát Thăng Long, khu bảo tàng… còn bổ sung quỹ đất xây dựng trụ sở các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể Trung ương, đặc biệt là trung tâm hành chính quốc gia.

Điều này khiến cho dự án Tây Hồ Tây không chỉ là một khu đô thị hiện đại bậc nhất mà còn trở thành trung tâm hành chính mới của thủ đô, điểm đến của các phái đoàn ngoại giao, các sự kiện văn hóa quốc tế.

Tiến độ dự án thực hiện trong năm 2014 tương đối chậm, chủ yếu thực hiện san nền và làm đường nội bộ. Sang năm 2015, tốc độ xây dựng được đẩy mạnh hơn. Đến giữa năm, hoàn thành được phần hạ tầng, thoát nước, hồ điều hòa, nền đường nội bộ và triển khai thi công khu biệt thự H7 – TT2, H7 – TT3, H10.


Các phần đường tiếp giáp với Khu Ngoại giao đoàn, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, phần đường 40m tiếp giáp khu đô thị Nghĩa Đô được san lấp, rải nhựa. Hạng mục nhà thấp tầng được thi công rầm rộ, xong phần móng nhà biệt thự và liền kề.

Cho đến cuối năm 2015, các phần hạ tầng kĩ thuật như đường nội bộ, hạ tầng điện, nước, đèn chiếu sáng, hồ điều hòa, lát đá vỉa hè… đã được hoàn thành về cơ bản.

Các hạng mục nhà thấp tầng như lô H7 – TT2, H10 được thi công xong phần móng, các lô H7 – TT1, H6, H11 hoàn thiện tương đối về hạ tầng.

Các khu chung cư hỗn hợp, khu khách sạn cao cấp, khu trường chung cư cao cấp đều đã hoàn thành phần móng, trong khi hồ điều hòa bước vào giai đoạn tạo cảnh quan chung.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tốc độ thi công vẫn được duy trì ở mức cao. Các hạng mục trên tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện.
[/tintuc]