[tintuc]
Những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa tại Hà Nội diễn ra với tốc độ cao, mật độ dân cư, hoạt động giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp tăng nhanh... Mặt trái của sự phát triển nhanh chóng đó là mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường không khí. Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường và tìm ra những giải pháp để cải thiện hiện trạng môi trường không khí Hà Nội, Dự án không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ (SVCAP) và Cục Bảo vệ môi trường đã tổ chức Hội thảo: "Góc nhìn báo chí với chất lượng không khí ở Hà Nội".

Hiện trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Theo GS. Phạm Duy Hiển thuộc SVCAP, để đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến mức nào cần xem xét năm chỉ tiêu về chất lượng không khí, bao gồm bụi khí PM10 (những hạt bụi lơ lửng trong không khí có kích thước bé hơn một phần trăm milimet) và bốn chất khí khác là SO2 (đi ô xýt lưu huỳnh), NO2 (đi ô xýt ni tơ), O3 (ozôn), và CO (ô xýt cacbon). Những kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất trong những năm gần đây, tại trạm khí tượng Láng, do Trung tâm Khí tượng Thủy văn đồng bằng Bắc bộ thực hiện cho thấy, trung bình trong một mét khối không khí ở Hà Nội có 80 mg (micro gram) bụi khí PM10, 45 mg SO2, 30 mg NO2, 30 mg O3 và 1000 mg CO.

Số liệu trên cho thấy, hàm lượng PM10 vượt tiêu chuẩn quy định ở mức 50 mg/m3. Bốn chất khí còn lại chưa vượt tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng SO2 vượt tiêu chuẩn EU (20 mg/m3). Tuy nhiên, tác hại của ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến mức nào lại còn tùy thuộc vào điều kiện khí tượng và thời tiết vốn biến hóa không ngừng ngoài tầm kiểm soát của con người. Do đó, để giải quyết bài toán ô nhiễm không khí cần phải xác định rõ mức độ ô nhiễm, nhận dạng các quy luật diễn biến các chất ô nhiễm và những nguồn phát ra chúng.
Tác động ô nhiễm không khí đến người dân Hà Nội

Theo GS. Phạm Duy Hiển: mức độ ô nhiễm về mùa đông cao hơn mùa hè, cao nhất vào tháng mười hai, tháng giêng, thấp nhất vào tháng bảy, tháng tám. Lý do là về mùa đông dưới tác dụng của khí áp cao và xoáy nghịch không khí bị tù hãm, thường xảy ra nghịch nhiệt (nhiệt độ tăng theo độ cao), chất ô nhiễm khó phát tán lên cao và ra xa. Về mùa hè, mặt đất bị đốt nóng, không khí cùng chất ô nhiễm có khả năng phát tán lên cao và được rửa trôi theo mưa.

Một nghiên cứu mới đây của Sở Y tế Hà Nội tại 5 khu vực nội thành là khu vực ô nhiễm công nghiệp (khu CN Thượng Đình); khu vực ô nhiễm do giao thông (đường Pháp Vân tại ngã ba Nguyễn Tam Trinh - Pháp Vân); khu vực ô nhiễm do dịch vụ (chợ Đồng Xuân); khu vực ô nhiễm do sinh hoạt (khu tập thể Kim Liên); khu vực được coi là ít ô nhiễm (Tây Hồ) đã đưa ra những con số đáng báo động về thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Bụi lơ lửng chung cả 2 mùa ở Hà Nội cao hơn tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 2,5 lần, mùa lạnh ô nhiễm cao hơn gấp 2,9 lần TCCP (mùa nóng gấp 1,2 lần TCCP). Khu vực giao thông Pháp Vân có nồng độ bụi cao nhất gấp 4,1 lần TCCP, gấp 4,5 lần điểm chứng, 1,8 lần khu dân cư Kim liên, 1,5 lần khu thương mại Đồng Xuân, 1,2 lần khu công nghiệp Thượng Đình.

Nồng độ bụi mịn (PM10 và PM2,5) chung cả 2 mùa của HN là 63% (PM10) và 60,6% (PM2,5). Khu giao thông Pháp vân có nồng độ cao nhất 68,6% (PM10), 65,8% (PM2,5) và khu Tây Hồ có nồng độ thấp nhất 57,6% (PM10), 55,6%( PM2,5); nồng độ bụi chì, bụi asen chung cho cả hai mùa đều thấp hơn TCCP. Hơi khí (CO2, CO, NO, NO2, SO2, O3) tại các điểm đo đều thấp hơn TCCP.

Không khí tại tất cả các điểm đo của 5 khu vực và chung của Hà Nội đều bị ô nhiễm vi sinh vật, nấm mốc. Tổng số vi khuẩn hiếu khí/m3 không khí mùa lạnh của Hà Nội là 28476 khuẩn lạc, cao hơn TCCP của Safis 4 lần và vào mùa nóng cao gấp 12 lần. Tổng số vi khuẩn tan máu/m3 không khí mùa lạnh của Hà Nội là 5676 khuẩn lạc, cao hơn TCCP 40 lần và vào mùa nóng cao gấp 150 lần. Tổng số nấm mốc/m3 không khí giữa hai mùa tương tụ nhau (429 vi nấm/m3 không khí vào mùa lạnh và 478 vi nấm/m3 không khí vào mùa nóng).

Sức khỏe người dân Hà Nội và các vấn đề liên quan

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, qua nghiên cứu sức khỏe và bệnh tật của 10 phường trong 5 quận nội thành Hà Nội cho thấy, bệnh có tỷ lệ mắc cao là bệnh tai mũi họng (21,4%), viêm mũi dị ứng (10,7%), hen phế quản (9,9%), cảm cúm (8,9%), viêm phổi, viêm phế quản (8,3%), tiếp đến là các bệnh ngoài da, bệnh về mắt (3 - 5%).

Theo bác sỹ Bùi Công Đức: Những người có thời gian sống ở Hà Nội trên 10 năm có tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính về tai mũi họng (24,5%) cao hơn những người sống dưới 3 năm (12,5%); các bệnh mạn tính như cảm cúm có tỷ lệ là 11,5% và 6,8%. Như vậy, thời gian sống ở Hà Nội càng lâu thì có xu hướng mắc các bệnh cấp tính và mạn tính về bệnh tai mũi họng, cảm cúm cao hơn những người có thời gian sống ít hơn.

Đối với bệnh mạn tính, tỷ lệ người mắc tại quận Thanh Xuân là cao nhất (56,5%), thấp nhất là quận Tây Hồ (32%). Trong đó, các bệnh hay gặp nhất là hen phế quản (7,32%), viêm xoang (6,52%), viêm mũi dị ứng (3,93%), viêm phế quản (3,44%).

Tình hình mắc các bệnh da liễu: có 4,1% người đã từng mắc bệnh da liễu. Quận Đống Đa có số người mắc cao nhất (7,0%), tiếp theo là quận Hoàng Mai (6,4%) và quận Thanh Xuân (4,3%), thấp nhất là quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ (1,3 - 1,5%).

Tình hình các bệnh về mắt tại 5 quận là 11,4%. Trong đó, cao nhất là Hoàng Mai (24,6%), Đống Đa (11,9%) thấp nhất là Hoàn Kiếm và Tây Hồ (4,8 - 6,3%).

Tỷ lệ mắc các triệu chứng của hội chứng nhà kín (SBS) tại Hoàng Mai là cao nhất (35,4%), tiếp sau là Đống Đa (25,2%) và Thanh Xuân (18,6%), thấp nhất là khu vực Tây Hồ (12,3%) và Hoàn Kiếm (8,8%).

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, sức khỏe của người dân Hà Nội ngày càng bị ảnh hưởng do yếu tố môi trường, các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội không nhỏ do chi phí cho khám chữa bệnh; tăng chi phí và mật độ sử dụng bệnh viện; gián đoạn quá trình học tập và lao động, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất; gia đình và người thân của người bệnh cũng bị ảnh hưởng do nghỉ học hoặc nghỉ làm để chăm sóc người bệnh...

Từ thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp y tế nhằm giảm thiểu tác động xấu của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân và đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi đối với Hà Nội nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên, trong khi Thành phố và các Ban, Ngành chức năng đang vào cuộc để đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí thì mỗi người dân cần có những biện pháp giữ gìn sức khỏe. Một chuyên gia của Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và luôn đeo khẩu trang mỗi khi tham gia giao thông.
[/tintuc]